23/05/2025 08:18 GMT+7

Hành tinh nào trong Hệ Mặt trời được sinh ra trước?

Theo các nhà khoa học, trình tự ra đời của các hành tinh không hoàn toàn giống như bây giờ. Trái đất cũng không phải là hành tinh đầu tiên hình thành quanh Mặt trời.

 mặt trời - Ảnh 1.

Dù là "em út", Trái đất của chúng ta có điều kiện sống lý tưởng nhất trong số 8 hành tinh, một phần nhờ sự “hậu thuẫn” từ các hành tinh khổng lồ hình thành trước nó hàng chục triệu năm - Ảnh: NASA

Mặt trời sinh ra trước

Cách đây khoảng 4,5 tỉ năm, một đám mây khí khổng lồ trong không gian bị trọng lực kéo sụp và sinh ra Mặt trờingôi sao trung tâm của hệ hành tinh mà chúng ta đang sống.

Phần khí và bụi còn lại không biến mất mà dàn trải thành một đĩa vật chất xoay quanh Mặt trời. Trong đĩa đó, các hạt bụi nhỏ bắt đầu va chạm, dính lại với nhau, lớn dần lên thành đá, rồi thành những vật thể đủ lớn để trở thành hành tinh. Quá trình này được gọi là sự bồi tụ (accretion).

Khi Mặt trời còn sơ khai, có một ranh giới nhiệt độ trong đĩa vật chất, nơi mà khí và nước có thể đóng băng, gọi là đường băng tuyết (snow line). Ranh giới này nằm ở khoảng giữa sao Hỏa và sao Mộc hiện nay.

Bên ngoài đường băng tuyết, vật chất có nhiều băng hơn, dễ kết tụ thành những hành tinh khổng lồ như sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương.

Bên trong đường băng tuyết, khí và bụi ít hơn nên các hành tinh như sao Thủy, sao Kim, Trái đất, sao Hỏa hình thành chậm hơn, và nhỏ hơn.

Trình tự ra đời của các hành tinh

Dựa vào mô hình tính toán và quan sát từ kính thiên văn, các nhà thiên văn học cho rằng sao Mộc và sao Thổ là hai hành tinh hình thành sớm nhất, chỉ sau vài triệu năm kể từ khi Mặt trời xuất hiện.

Tiếp theo là sao Thiên Vương và sao Hải Vương, trong vòng khoảng 10 triệu năm.

Các hành tinh phía trong, trong đó có Trái đất, mất ít nhất 100 triệu năm để hoàn thiện.

Tức là các hành tinh khổng lồ ở xa mới là "anh cả", còn Trái đất là "em út" của hệ hành tinh này.

Dù cách nhau gần 90 triệu năm nhưng trong quy mô vũ trụ, đó chỉ là "một cái chớp mắt", chưa tới 1% tuổi của vũ trụ.

Hành tinh cũng "di cư"

Thú vị hơn nữa, các hành tinh không "ở yên" từ khi sinh ra. Sau khi hình thành, chúng di chuyển, có hành tinh tiến gần về phía Mặt trời, có hành tinh lại trôi dạt ra xa, trước khi ổn định ở vị trí như hôm nay.

Sao Mộc từng dịch chuyển vào gần Mặt trời, hút một số hành tinh nhỏ vào, đẩy nhiều thiên thạch ra xa hoặc vào vành đai tiểu hành tinh. Sao Hải Vương cũng đã đẩy hàng triệu vật thể nhỏ ra rìa Hệ Mặt trời, tạo nên vành đai Kuiper, nơi cư trú của các hành tinh lùn như Pluto.

Điều quan trọng là nhờ lực hút và quỹ đạo của sao Mộc, Trái đất đã được "đẩy" vào vùng ở được (Goldilocks Zone), không quá nóng, không quá lạnh, đủ điều kiện để nước lỏng tồn tại và sự sống xuất hiện.

Nếu không có sao Mộc, rất có thể Trái đất đã nằm ở nơi khác, và sự sống như chúng ta biết ngày nay… có thể đã không tồn tại.

Hành tinh nào trong Hệ Mặt trời được sinh ra trước? - Ảnh 2.Lần đầu tiên phát hiện băng nước ngoài Hệ Mặt trời

Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) của NASA lần đầu tiên phát hiện băng nước bên ngoài Hệ Mặt trời, mở ra hướng nghiên cứu mới về sự hình thành hành tinh và khả năng tồn tại của sự sống trong vũ trụ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp