
Vị trí của thiên thể mới trong vũ trụ có quỹ đạo rất rộng - Ảnh: NAOJ
Theo Nature Astronomy, thiên thể mới được đặt tên là 2023 KQ14, biệt danh "Ammonite", được phân loại là một sednoid, thuộc nhóm các vật thể ngoài Hải Vương tinh (TNO), có quỹ đạo hình elip rất dẹt và điểm cận nhật (gần Mặt trời nhất) nằm ở khoảng cách rất xa.
Cụ thể, khoảng cách gần Mặt trời nhất của 2023 KQ14 tương đương 71 đơn vị thiên văn (AU), tức gấp 71 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. Thiên thể này có đường kính ước tính từ 220 đến 380km, gấp khoảng 45 lần chiều cao đỉnh Everest.
Đây là sednoid thứ tư từng được phát hiện. Dù hiện nay 2023 KQ14 có quỹ đạo khác biệt so với ba sednoid còn lại, các nhà nghiên cứu cho rằng cả bốn từng có quỹ đạo tương tự cách đây khoảng 4,2 tỉ năm, tức 400 triệu năm sau khi Hệ Mặt trời hình thành. Điều này ngụ ý một biến cố lớn từng xảy ra ở vùng rìa Hệ Mặt trời.
Khác biệt trong quỹ đạo của 2023 KQ14 cũng làm giảm khả năng tồn tại của "Hành tinh thứ 9", vốn được giả định là nhân tố gây ảnh hưởng lên quỹ đạo của các sednoid.
"Việc 2023 KQ14 có quỹ đạo không trùng khớp với các sednoid khác khiến giả thuyết về Hành tinh thứ 9 trở nên kém thuyết phục hơn. Có khả năng một hành tinh từng tồn tại, sau đó bị đẩy ra ngoài, gây ra quỹ đạo bất thường hiện nay", tiến sĩ Yukun Huang, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đài thiên văn Quốc gia Nhật Bản, cho biết.
Thiên thể này được phát hiện lần đầu qua Kính viễn vọng Subaru đặt trên đỉnh núi Mauna Kea (Hawaii), trong các đợt quan sát vào tháng 3, 5 và 8-2023. Sau đó nó được xác nhận qua đài quan sát Canada - Pháp - Hawaii vào tháng 7-2024. Dữ liệu mới được kết hợp với kho lưu trữ quan sát từ 19 năm qua, giúp tái dựng quỹ đạo của 2023 KQ14.
Để đánh giá ổn định quỹ đạo trong hàng tỉ năm, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các mô phỏng số phức tạp trên siêu máy tính của Đài thiên văn Quốc gia Nhật Bản. Kết quả cho thấy quỹ đạo của 2023 KQ14 duy trì ổn định suốt 4,5 tỉ năm, gần bằng tuổi của Hệ Mặt trời.
"2023 KQ14 nằm ở vùng xa nơi lực hấp dẫn của sao Hải Vương không còn ảnh hưởng rõ rệt", tiến sĩ Fumi Yoshida cho biết. "Sự tồn tại của các vật thể có quỹ đạo kéo dài và điểm cận nhật lớn như thế này cho thấy đã từng có điều gì phi thường xảy ra vào thời kỳ sơ khai của Hệ Mặt trời".
Yoshida cũng nhấn mạnh: "Hiện nay Kính viễn vọng Subaru là một trong số ít công cụ trên Trái đất có khả năng phát hiện những thiên thể như 2023 KQ14. Tôi hy vọng nhóm FOSSIL sẽ tiếp tục phát hiện thêm nhiều vật thể tương tự, từ đó góp phần hoàn chỉnh bức tranh lịch sử hình thành Hệ Mặt trời".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận