
Toàn cảnh hội thảo ngày 2-7 - Ảnh: NGUYỆT LINH
Sự kiện thuộc khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III), diễn ra sáng 2-7 tại TP Đà Nẵng.
Dịp này, DANAFF III cũng giới thiệu 22 phim chiến tranh chọn lọc, được sản xuất sau năm 1975 trong chương trình chọn lọc Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh.
Bà Ngô Phương Lan, giám đốc DANAFF III, phát biểu đây là lần đầu tiên phim chiến tranh Việt Nam sau năm 1975 được tập hợp một cách khá toàn diện.
"Qua đó giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, nhận diện những điểm sáng, những dấu ấn và có những cái để nhìn lại để đi tiếp và sáng tạo", bà nói.

Bà Ngô Phương Lan, giám đốc DANAFF III, phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: NGUYỆT LINH
Gần 100 phim chiến tranh trong nửa thế kỷ qua
Bà Lan chia sẻ có gần 100 phim chiến tranh mới được sản xuất trong nửa thế kỷ qua, cho thấy sự phong phú và quan tâm sâu sắc của các nhà làm phim Việt Nam đối với đề tài lịch sử này.
"Khán giả nước ngoài thường đồng nhất điện ảnh chiến tranh là điện ảnh Việt Nam và nhiều phim chiến tranh là phim tuyên truyền", bà nói "điện ảnh chiến tranh sau ngày thống nhất cho thấy một điều khác".
Còn bà Lê Thị Hà - viện trưởng Viện Phim Việt Nam - cho rằng các nhà làm phim đã có độ lùi về thời gian để chiêm nghiệm lại nỗi đau, mất mát của cả đôi bên, có cái nhìn mới về bên kia chiến tuyến, không còn một chiều mà nhân văn hơn. Đề tài hậu chiến với cảm hứng thế sự đậm nét, đa diện, tươi mới, thấm đẫm cảm xúc.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (phải) và diễn viên Hồng Ánh, đóng phim Người đàn bà mộng du - Ảnh: NGUYỆT LINH
Phim chiến tranh không phải thể loại "đẻ trứng vàng"
PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trường đại học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội - phát biểu đến cuối thập niên 1980, phim chiến tranh vẫn có một vị trí quan trọng trong phim mục được sản xuất của các hãng phim ở Việt Nam, và vẫn có những bộ phim thuộc loại "ăn khách" như Ván bài lật ngửa hay Biệt động Sài gòn.
Tuy nhiên giờ đây "thời hoàng kim của phim chiến tranh hoặc phim về chiến tranh ở Việt Nam đã qua", và "cũng không tồn tại một hệ sinh thái phim chiến tranh trong đời sống điện ảnh ở Việt Nam".
Ông Thạch chia sẻ xét về doanh thu, phim chiến tranh nói chung (không riêng Việt Nam) không phải là một thể loại "đẻ trứng vàng".




Từ trên xuống, trái qua: PGS.TS Phạm Xuân Thạch, diễn viên Trương Ngọc Ánh, đạo diễn Phi Tiến Sơn, NSND Lan Hương - Ảnh: NGUYỆT LINH
Nếu so với phim cùng thể loại Đào, phở và piano thu hơn 20 tỉ đồng (theo Cục Điện ảnh) thì có thể nói, doanh số của Địa đạo là một huyền thoại, trở thành trường hợp thành công nhất 10 năm qua (với 172 tỉ đồng theo Box Office Vietnam).
Nhưng ngay cả Địa đạo cũng khó mà so được những phim chính kịch, hài, lãng mạn, những thể loại "vua phòng vé" ở Việt Nam (Bố già, Nhà bà Nữ, Lật mặt 7, Mai…). Các phim nước ngoài chiếu tại Việt Nam thì phim chiến tranh cũng không phải là thể loại "ăn khách".
Dù vậy ông Thạch ghi nhận "các phim Việt Nam làm về chiến tranh khoảng 50 năm qua, đặc biệt sau đổi mới, có một sự đa dạng, nhất là từ góc độ thể loại".
Đặc biệt "các thế hệ đạo diễn từ Đặng Nhật Minh, Lê Hoàng, Vương Đức, Đỗ Minh Tuấn đến Bùi Thạc Chuyên, Lưu Trọng Ninh… đã góp phần làm mới diễn ngôn anh hùng chủ nghĩa về chiến tranh, đa dạng hóa góc nhìn về quá khứ, phức tạp hóa nhận thức về con người trong chiến tranh, và đặc biệt kể lại được những câu chuyện nhân bản về chấn thương hậu chiến", ông nói.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng khán giả trẻ đang có xu hướng "quay về" những đề tài như chiến tranh, lịch sử và họ có cái nhìn rất khác về phim chiến tranh. Thành công của Địa đạo đã mở ra một dấu mốc cho dòng phim này ở nước ta.
Các nhà đầu tư, nhà sản xuất sẽ cởi mở hơn, mạnh dạn hơn để đầu tư vào dòng phim mà trước đó cứ mặc định khó thu hồi vốn". Anh nói "điện ảnh chiến tranh Việt sẽ được hưởng lợi từ hiệu ứng của Địa đạo".

Phim Địa đạo đạt doanh thu 172 tỉ đồng, là phim chiến tranh ăn khách nhất Việt Nam - Ảnh: ĐPCC
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng điện ảnh Việt "đã tiến một bước khá dài trong việc khai thác đề tài chiến tranh, mà xưa nay chủ yếu được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước, thậm chí bị coi là dòng phim 'cúng cụ' chiếu mỗi dịp kỷ niệm".
Bà Nhã nói "sự xuất hiện của các nhà làm phim tư nhân trong dòng phim này đã mang một khí vị mới". Bà ví dụ Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông hay Địa đạo, cả ba đều cống hiến cho khán giả những cảm xúc thẩm mỹ không giống với cách làm phim truyền thống của "phim nhà nước".

Phim Người đàn bà mộng du được chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu - Ảnh chụp màn hình
Đạo diễn Đào Duy Phúc nói các đạo diễn trẻ ngày nay đang đối diện với thách thức làm mới đề tài chiến tranh, cách mạng vừa trung thành với lịch sử, vừa gần gũi với cảm quan thẩm mỹ đương đại. Cách họ chiêm nghiệm về chiến tranh cũng khác với thế hệ trước. Nó không chỉ là tấm huân chương lấp lánh mà còn là những góc khuất đằng sau nó.
Còn Đặng Thái Huyền, đạo diễn phim chiến tranh Mưa đỏ sắp ra mắt tháng 9 tới, cho rằng phim chiến tranh không còn là "vùng cấm" nữa, có thể đưa ra những góc nhìn, những quan điểm, chạm đến những góc khuất mà trước đây chưa đề cập đến, không đơn tuyến nữa mà đã có những góc nhìn từ phía đối phương, hay những góc nhìn mới chưa từng có.
"Trước đây phim chiến tranh chỉ theo một hướng tuyên truyền, thì ngày nay phim đã trở thành một sản phẩm thương mại, có bán vé, có đối thoại sòng phẳng với khán giả", chị đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận