Xe
21/07/2025 11:23 GMT+7

TP.HCM chuyển xe xăng sang xe điện: Bắt đầu từ 400.000 shipper

Trong khi Hà Nội cấm xe máy chạy nhiên liệu hóa thạch vào vành đai 1 (từ tháng 7-2026), TP.HCM cũng "chuyển đổi xanh" từ xe xăng sang xe điện, bắt đầu với xe buýt và shipper, tài xế công nghệ.

xe xăng sang xe điện - Ảnh 1.

Các shipper chạy xe máy xăng chở khách và chở hàng lưu thông ở TP.HCM vào chiều 20-7 - Ảnh: T.T.D.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) đã đề xuất chuyển đổi trước xe của shipper, tài xế công nghệ từ xe xăng sang xe điện với lộ trình cụ thể cùng nhiều chính sách hỗ trợ.

3 năm tới, chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện

ThS Lê Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (thuộc HIDS), đánh giá TP.HCM đang có những bước đi thận trọng suốt quá trình nghiên cứu, triển khai giải pháp kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở TP.HCM.

"Quá trình này, thành phố cần làm có lộ trình từng bước phù hợp thực tế để nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Trong đó, HIDS xác định nhóm xả thải nhiều nhất là shipper, tài xế xe công nghệ nên cần áp dụng chuyển đổi xe năng lượng sạch cho nhóm này trước.

Cùng với đó, khu vực có phạm vi dễ khoanh vùng áp dụng chính sách là Cần Giờ, Côn Đảo... Tới đây, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi xanh cho giao thông công cộng đạt 100% xe buýt xanh vào năm 2030", ông Hải nói.

Trong tháng 7-2025, HIDS trình đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM" (một phần trong đề án kiểm soát khí thải chung của TP.HCM do Sở Xây dựng chủ trì).

Nếu được thông qua, thời gian dự kiến áp dụng từ 1-1-2026.

Theo đề án này, TP.HCM có khoảng 400.000 shipper, tài xế công nghệ hoạt động sẽ được chuyển đổi sang xe điện theo từng giai đoạn.

Lý giải chọn lực lượng này chuyển đổi trước, nội dung đề án cho hay mỗi ngày một tài xế di chuyển trung bình 80 - 120km, gấp 3-4 lần người dân thường (số liệu khảo sát), nên nhóm này cần được triển khai chuyển đổi trước tiên.

Từ đó, hình ảnh shipper, tài xế công nghệ di chuyển nhiều bằng xe điện êm ái, sạch đẹp góp phần thay đổi nhận thức, thúc đẩy nhu cầu dùng xe điện trong cộng đồng dân cư.

Cũng theo đề án, dự kiến từ tháng 1-2026, TP.HCM bắt đầu áp dụng những chính sách ưu đãi, đồng thời ngừng cho phép đăng ký mới phù hiệu (ngừng ký hợp đồng mới) đối với tài xế xe máy xăng có nhu cầu tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.

Các tài xế sử dụng xe xăng đăng ký và được chấp nhận trước ngày 1-1-2026 vẫn hoạt động bình thường và cần có kế hoạch chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2029 sẽ chuyển đổi toàn bộ xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tất cả shipper và tài xế công nghệ, giảm 100% lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm xe này.

xe xăng sang xe điện - Ảnh 2.

Shipper chạy xe máy điện lưu thông trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) vào chiều 20-7 - Ảnh: T.T.D.

Nhiều hỗ trợ cho tài xế

Đánh giá từ đề án cho thấy điện rẻ hơn xăng khoảng 80% trên mỗi km vận hành và xe điện có ít chi tiết bảo dưỡng hơn so với xe xăng (không thay nhớt, không cần bảo trì động cơ đốt trong). Từ đó, trung bình mỗi tài xế có thể tiết kiệm 1 - 1,3 triệu đồng/tháng. Quãng đường và số giờ hoạt động càng cao thì số tiền tiết kiệm càng lớn. Có thể thấy chuyển đổi xe điện còn đem lại lợi ích về thu nhập, tính kinh tế cho đội ngũ tài xế.

Đề án này cũng nêu rõ hàng loạt chính sách để khuyến khích các tài xế chuyển đổi xe xăng sang xe điện như miễn lệ phí trước bạ cho xe điện mới đăng ký lần đầu trong 2 năm, miễn thuế VAT cho tài xế xe công nghệ trong khoảng thời gian nhất định.

Đề án cũng đề xuất kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ những trường hợp thu nhập thấp chuyển đổi (khoảng 10.000 xe trong diện này), mỗi tài xế có thể được hỗ trợ 8 triệu đồng/xe ban đầu để chuyển đổi phương tiện. Từ các khoản chi phí tiết kiệm khi không dùng xăng mà dùng điện, tài xế hoàn toàn có thể trả góp mua xe trong vòng 24 - 30 tháng.

Các đơn vị cũng phối hợp các bên liên quan nắm bắt về công suất điện khi chuyển đổi. Ví dụ tài xế hoạt động thì thường sạc vào ban đêm, nên có thể đảm bảo công suất điện ở giai đoạn đầu. Sau đó, khi thực hiện chuyển đổi mở rộng cần lên phương án đảm bảo công suất điện phục vụ nhu cầu lớn hơn.

Trong 3 năm tới phải có sự chuẩn bị để đảm bảo công suất điện nếu chuyển đổi hết 400.000 xe. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra giải pháp để nâng cấp hạ tầng trạm sạc; hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua, xử lý tái chế, loại bỏ xe 2 bánh chạy xăng...

xe xăng sang xe điện - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồng tình nhưng lo thiếu trạm sạc

Hay tin này, nhiều shipper và tài xế công nghệ ủng hộ nhưng cũng có những băn khoăn. Một số shipper gợi ý nên thí điểm ở từng địa phương, ưu tiên những người có điều kiện chuyển đổi (nội thành hoặc khu chuyên về sinh thái trước), sau đó mở rộng dần.

Đặc biệt, hạ tầng và chính sách hỗ trợ phải thực sự đảm bảo hấp dẫn, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Văn Mạnh (một shipper ở phường Thủ Đức) cho hay: "Tôi lo về vấn đề sạc pin, thời gian sạc. Ví dụ ngày chạy hơn 120km, lỡ xe mà hết pin giữa đường thì coi như mất cả buổi kiếm tiền.

Xe điện bây giờ giá vẫn cao, trong khi xe xăng đang chạy ngon lành. Chưa kể xe điện thường phải sạc lâu, mà tụi tôi không có thời gian đứng chờ vài tiếng đồng hồ.

Nếu phải chuyển qua xe điện ngay thì phải hỗ trợ mạnh tay. Có thể cho đổi xe cũ lấy xe mới, trả góp, trạm sạc cũng phải có khắp nơi chứ không là cực lắm. Mình chạy vì miếng cơm manh áo mà".

Còn anh Hồ Tính (shipper xe xăng) cũng tỏ ra lo ngại việc thiếu trạm sạc và ảnh hưởng đến thu nhập. "Giờ đơn hàng cạnh tranh lắm, ai nhanh thì được đơn, ai đứng sạc thì nghỉ chơi luôn nếu không có chính sách rõ ràng. Ví dụ hỗ trợ đổi xe, miễn phí sạc trong vài năm đầu, hoặc hỗ trợ tài chính cho các shipper", anh nói.

Nhiều shipper khác cũng đồng tình rằng nếu chưa đảm bảo được pin khỏe, sạc nhanh và hạ tầng đầy đủ thì rất khó để họ an tâm chuyển đổi. Họ cũng lo nếu không đủ điều kiện mua xe điện thì sẽ bị thiệt thòi trong việc nhận đơn, cạnh tranh không lại với người khác. Vì vậy việc chuyển đổi cần có thời gian nhất định, chính sách rõ ràng, lắng nghe nhiều người trong cuộc.

Bạn đọc Tuổi Trẻ góp ý:

Nên hỗ trợ vào túi tiền tài xế

Trước việc triển khai cho 400.000 shipper, tài xế công nghệ chuyển đổi xe xăng sang xe điện trước, bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã có những góp ý ủng hộ nhằm cải thiện môi trường sống, đảm bảo đô thị văn minh sạch đẹp.

Bạn đọc Minh Huynh đề nghị nhà quản lý cần có thêm sự hỗ trợ về tài chính giúp các shipper hiện đang sử dụng xe xăng (đã hoạt động trước tháng 7-2025) được chuyển đổi dễ dàng sang xe điện. Hoặc phải có chính sách mua lại xe cũ, tạo điều kiện cho shipper tiếp cận xe điện. N

Nói chung là nên hỗ trợ vào túi tiền tài xế. Tương tự, bạn đọc Song Viet đánh giá: "Khách bây giờ cũng thích đi xe điện hơn là xe xăng khói bụi ô nhiễm. Các bác tài cũng nên thay đổi dần sang xe điện nếu đủ điều kiện".

Ở góc độ khác, bạn đọc Ngọc Anh cho rằng xe xăng có tiêu chuẩn khí thải riêng. Cho nên, quá trình triển khai, xe xăng đạt chuẩn khí thải vẫn nên cho hoạt động ship hàng, chở khách. Đồng thời chuyển đổi những xe không còn đảm bảo tiêu chuẩn khí thải trước. Trong thời gian đó, chính quyền đầu tư hệ thống trạm sạc điện, giải bài toán nguồn điện sử dụng. Chứ nếu đồng loạt chuyển đổi, hạ tầng không kịp đáp ứng.

* TS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM):

Cần có lộ trình chuẩn bị rõ ràng

Theo một đánh giá sơ bộ, lượng xe taxi và shipper hiện chiếm tới 65% lượng khí thải trên đường phố, phần còn lại từ xe cá nhân của người dân. Vì vậy nên ưu tiên chuyển đổi các loại xe thường xuyên chạy trên đường như taxi công nghệ, shipper trước. Quá trình này cần khoảng 3-5 năm để hoàn tất.

Sau đó sẽ còn nhiều vấn đề khác phải xử lý, đơn cử như việc sản xuất và xử lý pin xe điện. Để làm được chương trình này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường để đánh giá tác động của xe điện lên nền kinh tế. Đồng thời hạn chế đưa thêm xe xăng ra thị trường.

Cần xem xét kỹ việc sản xuất động cơ xe trên 135cc liệu có cần thiết hay không để giảm lượng khí thải. Chúng ta có thể thực hiện đồng bộ ở nhiều nơi nhưng chỉ nên giảm một phần lượng xe lưu hành chứ không thể thay đổi 100%. Điều đó là bất khả thi.

Ở TP.HCM, có thể đặt ra lộ trình: thay xe máy của shipper trong 1-3 năm, ô tô điện trong 10 năm và xe máy cá nhân trong 15 năm.

Thời gian người dân thường chọn để sạc xe là từ 18h đến 20h, điều này sẽ gây áp lực lớn về điện năng tiêu thụ.

Ví dụ, một chiếc ô tô khi sạc tiêu thụ 11kW điện, xe máy tiêu thụ khoảng 1kW. Nếu tất cả xe sạc đồng loạt trong ngày, tổng nhu cầu sử dụng điện là rất lớn, tác động đến hệ thống điện quốc gia nên cũng cần phải được tính toán kỹ lưỡng và phát triển thêm nguồn điện.

Về tầm nhìn dài hạn trong phát triển giao thông bền vững và bảo vệ môi trường, nước ta có thể hướng đến sử dụng xe chạy bằng năng lượng tái tạo, ví dụ như năng lượng mặt trời. Quan trọng nhất vẫn là phát triển hệ thống giao thông công cộng bền vững. Tàu điện công cộng hay xe buýt chạy bằng năng lượng sạch là chiến lược then chốt.

Nhiều phương án "giao thông xanh"

Tại họp báo kinh tế - xã hội ngày 17-7, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM thông tin song song với kế hoạch chuyển đổi phương tiện cho tài xế xe công nghệ, sở đang khẩn trương hoàn thành "Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM".

TP.HCM chuyển xe xăng sang xe điện: Bắt đầu từ 400.000 shipper - Ảnh 4.

Những tuyến xe buýt điện kết hợp dọc tuyến metro số 1 hỗ trợ người dân trong việc sử dụng phương tiện công cộng một cách tiện lợi - Ảnh: THANH HIỆP

Hai giai đoạn

Đề án trên được thực hiện theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là thực hiện chuyển đổi và xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đã hoàn thành. Mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt ở TP.HCM hoàn thành chuyển đổi sang xe năng lượng sạch. Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu bổ sung đánh giá tác động sau khi TP.HCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để triển khai đồng bộ trên địa bàn TP mới. Dự kiến nghị quyết sẽ được hoàn chỉnh, báo cáo UBND TP và trình HĐND TP trong quý 4 năm nay.

Giai đoạn 2 đặt ra yêu cầu hoàn thành đề án kiểm soát khí thải cho các phương tiện giao thông, xem xét phương án lựa chọn một số khu vực để thực hiện kiểm soát phân vùng khí thải phương tiện giao thông. Trong đó, đề án sẽ tập trung xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh.

Giải pháp phù hợp cho nhiều đối tượng

Lộ trình thực hiện sẽ có xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách, xe tải, phương tiện cá nhân, ô tô và phương tiện thuộc sự quản lý bởi các đơn vị hành chính công, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. Sở Xây dựng tính toán đề xuất lộ trình, điều kiện, chính sách để thực hiện các nội dung nói trên. Đi cùng với đó là chính sách thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng điện, năng lượng xanh, xử lý phương tiện cũ để giảm ô nhiễm môi trường.

Sở cũng đo đạc, tính toán để đề xuất lộ trình và giải pháp kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ưu tiên các biện pháp phân vùng, ưu tiên cho phương tiện sử dụng năng lượng xanh, hạn chế hoạt động phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch khu vực trung tâm TP.HCM, Cần Giờ, Côn Đảo...

Ngoài ra, trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng đưa ra các phương án phát triển giao thông đối ngoại, giao thông đối nội và phương án hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm TP.HCM. Đồng thời TP.HCM cũng phát triển các bến xe liên tỉnh kết hợp thương mại dịch vụ; cung cấp bãi đỗ xe tại các điểm cửa ngõ vào trung tâm thành phố theo mô hình Park&Ride; phát triển các nhà ga metro chính thành các trung tâm giao thông xanh…

Để thực hiện các giải pháp nói trên, TP.HCM cũng bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể bổ sung tuyến kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, kết nối về phía đông với Đồng Nai, kết nối Thủ Đức với Nhơn Trạch…

TP.HCM chuyển xe xăng sang xe điện: Bắt đầu từ 400.000 shipper - Ảnh 5.Xây dựng chương trình chuyển đổi xe điện cho toàn bộ tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh ở TP.HCM

Sau một tháng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được tiếp tục làm việc với Tập đoàn Vingroup để cập nhật tiến độ các đề án chuyển đổi xanh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp