
Bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nhóm cảnh sát quỳ gối trước những người đàn ông mặc trang phục Hồi giáo - Ảnh: X/@lazydjay
Bức ảnh này nhanh chóng thu hút sự chú ý trên nhiều nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là khi một số tài khoản đăng tải hình kèm theo dòng chú thích mang tính kích động: “Chỉ có kẻ phản bội mới cúi đầu trước quân xâm lược”.
Sự xuất hiện của hình ảnh lập tức làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thổi bùng căng thẳng giữa các quốc gia khác biệt về tôn giáo và hệ tư tưởng, đồng thời khoét sâu mâu thuẫn sắc tộc trong bối cảnh chính trị vốn đã nhạy cảm.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành xác minh, trang kiểm chứng thông tin FullFact xác nhận bức ảnh nhiều khả năng là một sản phẩm được tạo ra bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo FullFact, bức ảnh lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2024 trong một bài đăng trên nền tảng X (hiện đã bị xóa) và được xác định là không có nguồn gốc rõ ràng từ bất kỳ tổ chức báo chí hoặc cơ quan tin cậy nào.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu cho thấy tấm hình được tạo ra bởi AI rất dễ nhận biết. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy một trong những chi tiết đáng chú ý là hình dáng bất thường của các nhân vật trong ảnh.
Thứ nhất, người cảnh sát ở phía bên phải có bàn chân dài một cách bất thường và tỉ lệ cơ thể không cân đối.
Thứ hai, người cảnh sát phía bên trái có tư thế kỳ lạ, với phần chân trái bị gập lệch một cách phi lý, gần như tách rời khỏi phần thân. Khi tăng độ sáng của hình ảnh, những điểm bất thường này hiện rõ hơn.
Thứ ba, khuôn mặt và bàn tay của những người đàn ông đứng phía sau cũng có dấu hiệu bị bóp méo - một đặc trưng thường thấy trong các hình ảnh do AI tạo ra.
Ngoài ra, mắt, mũi, miệng, và tay của một vài người đàn ông cũng không đối xứng, thậm chí có những chi tiết bị lặp lại hoặc biến dạng theo kiểu "rối loạn hình học" mà các thuật toán hiện tại vẫn chưa khắc phục được.
Theo FullFact, hiện AI đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và tạo ra nhiều nội dung giả mạo tinh vi, do đó việc kiểm chứng thông tin là vô cùng quan trọng để tránh việc lan truyền tin sai lệch.

Các dấu hiệu được khoanh vùng chứng minh tấm hình được tạo ra bởi AI - Ảnh: FullFact

Công cụ Illuminarty phân tích hình ảnh cho thấy gần 90% tấm ảnh này được tạo ra bởi AI - Ảnh: Lead Stories

Công cụ HuggingFace cũng cho ra kết quả tương tự, với 90% khả năng bức ảnh được AI chỉnh sửa - Ảnh: Lead Stories
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận