
Bài viết lan truyền trên mạng xã hội Facebook tố một bè nổi trên vịnh Nha Trang ở Khánh Hòa "chặt chém" khách vào dịp lễ 30-4 và 1-5 - Ảnh: Mạng xã hội
Thực trạng chặt chém du khách tại dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua khiến nhiều du khách phải trả giá cao bất hợp lý tại các quán ăn, khách sạn và bãi giữ xe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm du lịch.
Bức tranh nhức nhối kiểu tư duy "ăn xổi ở thì"
Tại TP.HCM, du khách từ các nơi đổ về xem lễ diễu binh, thưởng ngoạn đô thị, nhưng lại bị "bẻ kèo" hoặc "hét giá" không thể ngờ.
Khách nữ từ Hà Nội đặt phòng trên Booking.com giá gần 11 triệu đồng cho hai đêm, khi đến nơi, khách sạn thông báo "hết phòng". Muốn có phòng khách phải chi thêm gần 30 triệu đồng.
Trường hợp ông Ngô Ngọc Luyến ở huyện Bình Chánh còn buồn hơn. Dịp 30-4, cả gia đình thuê khách sạn mừng sum họp nhưng đến giờ chót trưa 29-4, khách sạn ngay khu trung tâm thành phố báo hết phòng, vòi nước bị hỏng và... trả cọc.
Thêm minh chứng rõ ràng cho kiểu làm ăn chụp giựt này là việc bãi giữ xe tại quận 3 (TP.HCM) hét giá 100.000 đồng/lượt xe gắn máy. Đúng là "cắt cổ".
Chưa hết, du khách đến Nha Trang và bị một bè nổi tính giá 3,5 triệu đồng cho 1kg cá bò hòm. Giải thích lý do bán giá trên trời, chủ cơ sở bảo phải trích 30% hoa hồng cho dịch vụ ca nô chở khách.
Kiểu kinh doanh này giúp chúng ta hiểu rõ thêm rằng chuỗi kinh doanh dịch vụ là nơi "chuyền tay nhau" các loại phí, người gánh cuối cùng là du khách.
Thiếu niêm yết, không minh bạch giá cả là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trải nghiệm không đáng có này.
Chuyện khách bị ép giá, thu phí dịch vụ không hợp lý, hay tăng giá chóng mặt vào các dịp lễ, Tết không còn là mới mẻ. Du khách thường xuyên gặp phải những "trải nghiệm đáng tiếc" kiểu này.
Điều này đặt ra vấn đề về văn hóa kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách cũng như trách nhiệm bảo vệ quyền lợi du khách của cơ quan chức năng.
Kiểu kinh doanh này làm giảm sự tin tưởng vào chất lượng dịch vụ và niềm tin vào các địa phương trong mắt du khách, có thể khiến du khách không quay lại, lượng khách giảm... Thậm chí còn tạo ra cái nhìn không tốt về ngành du lịch Việt Nam nói chung.
Đưa cơ sở kinh doanh, quán ăn chặt chém vào danh sách "đen", được không?
Có thể nói, nạn chặt chém trong các dịp lễ, Tết tại Việt Nam không chỉ là một thói quen mà như một căn "bệnh mãn tính" của nhiều người làm ăn kiểu chụp giựt.
Mặc dù đã có những cải tiến trong việc giám sát, các biện pháp xử lý được các cơ quan chức năng đưa ra khá rõ ràng, nhưng hiện tượng này vẫn tồn tại dai dẳng.
Xử phạt nơi này lại mọc lên nơi khác, ngành này vừa xử lý xong lại xảy ra ở ngành kia...
Các thủ đoạn tăng giá, "lừa lọc" du khách, ép giá, thiếu minh bạch trong việc niêm yết giá cả vẫn rất phổ biến và khó kiểm soát.
Vậy thì những biện pháp xử lý, mức phạt hiện nay có đủ mạnh để ngăn chặn hành vi gian lận này một cách triệt để?
Cái gốc của vấn đề là sự thiếu tôn trọng khách hàng, thiếu văn hóa kinh doanh đúng đắn và thiếu trách nhiệm xã hội của không ít người kinh doanh.
Cần phải thay đổi tư duy từ "vắt lông" sang "gà đẻ trứng vàng".
Du khách là nguồn thu lâu dài nếu được tôn trọng và đối đãi tử tế. Người kinh doanh cần xây dựng lộ trình dài hạn, uy tín và hình ảnh tốt, thay vì muốn "làm giàu" trong những dịp lễ.
Bên cạnh đó cơ quan quản lý cần có lực lượng thanh tra thường xuyên, chủ động, không đợi đến khi dư luận lên tiếng mới kiểm tra theo kiểu "bắt cóc bỏ dĩa".
Phát hiện những trường hợp không niêm yết giá, chặt chém phải có chế tài nặng, có thể bao gồm việc cấm kinh doanh vĩnh viễn hoặc đưa vào danh sách "đen" công khai trên các trang thông tin du lịch để du khách biết, phòng tránh.
Mức phạt khách sạn "bẻ kèo" nâng giá phòng ra sao?
Khi khách đặt phòng qua nền tảng trực tuyến (App) và đã được xác nhận thì hợp đồng dịch vụ đã được xác lập theo quy định tại điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cụ thể "hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ".
Do đó các thông tin về tên khách sạn, loại phòng, mức giá và thời gian lưu trú là những nội dung chính mà bên cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ phải tuân thủ nhưng trong trường hợp này.
Đó là tên khách sạn không trùng khớp; giá phòng bị điều chỉnh tăng mà không thông qua thỏa thuận với khách… thì khách sạn đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, cụ thể là phải cung cấp dịch vụ đúng thỏa thuận được quy định tại điều 517 Bộ luật Dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Như thông tin đã được báo chí công khai, cơ quan chức năng TP.HCM đã tiến hành kiểm tra và xử phạt hành chính đối với khách sạn về hành vi không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp theo hợp đồng đã giao kết với khách du lịch.
Nội dung này được quy định tại điều 10 nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch với mức phạt từ 10-15 triệu đồng.
Khoản 2 điều 516 Bộ luật Dân sự quy định: "Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại".
Như vậy khách sạn có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu khách hàng khởi kiện và được tòa án có thẩm quyền chấp nhận.
Luật sư Nguyễn Phong Phú
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận