Để người dân không còn sốc với lời 'xin lỗi, cảm ơn' ở trung tâm hành chính công phường, xã

Để những kỳ vọng của người dân về hành chính công vụ sớm được hiện thực hóa, đòi hỏi từng cán bộ, công chức xã phường phải tự thay đổi tư duy, tác phong và lối làm việc.

hành chính công - Ảnh 1.

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Côn Đảo - Ảnh: THANH HUYỀN

Xung quanh bài viết Sốc với lời 'cho phép, xin lỗi, cảm ơn' ở Trung tâm hành chính công phường Thủ Đức, nhiều bạn đọc bày tỏ kỳ vọng về nền hành chính công vụ ngày càng công khai, minh bạch, văn minh, chuyên nghiệp. 

Cán bộ công chức có kiến thức, vững kỹ năng nghiệp vụ, tận tâm với công việc và hưởng mức thu nhập tương xứng.

Tiến sĩ Phạm Đi (Học viện Chính trị khu vực III) cho rằng để những kỳ vọng về hành chính công vụ sớm được hiện thực hóa, đòi hỏi từng cán bộ, công chức xã phường phải tự thay đổi tư duy, tác phong và lối làm việc.

Không còn "sáng kính thưa, trưa kính gửi, chiều kính mời"

Trước đây, không ít nơi vẫn tồn tại tâm lý: người dân phải xin, trình, gặp mặt, thậm chí nhờ vả để được giải quyết công việc. Một số nơi, quy trình hành chính còn nặng về hình thức, chồng chéo về thủ tục, thiếu đồng bộ về áp dụng công nghệ thông tin, tính hiệu quả chưa cao. 

Nhiều cán bộ xem việc ngồi đủ giờ là hoàn thành nhiệm vụ, chưa coi sự hài lòng của người dân là thước đo thành công. 

Cơ chế mới đã đặt ra những nguyên tắc khác, trong đó nổi bật là hành chính phải phục vụ thay vì phải xin, kết quả công việc được đo bằng hiệu quả và sự hài lòng chứ không chỉ bằng quy trình đã hoàn tất. 

Cán bộ phải làm hết việc chứ không chỉ hết giờ, phải tận tâm tiếp dân và không được lơ là, bỏ bê công vụ vì những thói quen như nhậu nhẹt hay tụ tập vô nghĩa trong giờ làm việc.

Mới đây, sau khi kiểm tra Trung tâm phục vụ hành chính công phường Ninh Kiều, xã Thạnh Hòa, phường Phú Lợi, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã làm việc với Thường trực Thành ủy Cần Thơ. 

Ông Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh một yêu cầu rất rõ ràng: "Cán bộ cơ sở phải đi làm đúng giờ, không được nhậu nhẹt, bỏ bê công việc". Đây là lời tâm huyết để cảnh báo về trách nhiệm của công bộc, về đạo đức công vụ. 

Trong một nền hành chính hiện đại, kỷ luật công vụ và thái độ tận tụy là những điều kiện tiên quyết để phục vụ người dân hiệu quả và minh bạch.

Khi địa giới hành chính thay đổi, quy mô xã phường mở rộng, dân cư đông hơn, nhu cầu phục vụ sẽ ngày càng đa dạng và phức tạp. Nếu cán bộ chỉ quen ngồi bàn giấy, sợ va chạm, ngại xuống thực địa… sẽ làm cho nền hành chính trở nên xa lạ, hình thức. 

Chính vì vậy, một trong những chuyển biến quan trọng nhất của mô hình mới là chuyển sang thực tiễn đời sống, sang ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa, từ hành chính sang đồng hành và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để phát triển.

Đáng chú ý, những yêu cầu rất cụ thể đã được đặt ra: cán bộ xã phường phải làm việc đủ tám tiếng mỗi ngày, không tự ý rời nhiệm sở, càng không được lấy lý do giao lưu, tiếp khách để nhậu nhẹt trong giờ hành chính. 

Đây không chỉ là lời nhắc nhở, căn dặn bình thường, mà là động thái cứng rắn nhằm chấn chỉnh kỷ luật, khắc phục tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp về; sáng kính thưa, trưa kính gửi, chiều kính mời... vẫn tồn tại chỗ này chỗ kia.

Bởi mỗi lần bê trễ hay thiếu trách nhiệm, hậu quả không chỉ là hồ sơ chậm giải quyết mà là niềm tin của người dân. Trong bối cảnh người dân ngày càng có nhiều kênh phản ánh, từ mạng xã hội đến tổng đài và cổng dịch vụ công trực tuyến, uy tín và năng lực cán bộ sẽ dễ bị công khai đánh giá.

Khi trách nhiệm công vụ trở thành bổn phận tự giác

Để đáp ứng các yêu cầu mới, đội ngũ cán bộ cơ sở phải hội đủ những phẩm chất và năng lực mới: tận tâm với dân, coi sự hài lòng là sứ mệnh; làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật...

Nắm vững pháp luật, công nghệ và nghiệp vụ hiện đại; chủ động đề xuất giải pháp thay vì chỉ chờ chỉ thị; gần dân, sát thực tiễn, giải quyết nhanh chóng và minh bạch mọi yêu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp. 

Đây không chỉ là thước đo về năng lực chuyên môn, mà còn là chuẩn mực về nhân cách công bộc thời đại mới.

Người dân không còn phải xin xỏ, mà được phục vụ tận tâm như một quyền hiển nhiên. 

Nhiều cán bộ sẽ phải học lại kỹ năng, rèn lại kỷ luật và thay đổi những thói quen cũ để thích nghi với cách làm việc mới. Đó là con đường duy nhất để nền hành chính trở thành hành chính phục vụ, hiện đại, hiệu quả; để chính quyền gần dân hơn, liêm chính hơn.

Đó cũng là lời nhắc nhở cải cách hành chính không chỉ là những văn bản, khẩu hiệu hay cuộc họp, mà phải được đo bằng sự đổi thay thực chất trong thái độ và hành vi của mỗi cán bộ. 

Khi người dân cảm nhận được sự tận tụy, minh bạch và kỷ luật từ chính những công bộc gần gũi nhất, niềm tin xã hội sẽ được củng cố, tinh thần đoàn kết và đồng thuận sẽ lan tỏa. 

Một nền hành chính phục vụ đúng nghĩa chỉ hình thành khi trách nhiệm trở thành bổn phận tự giác, và sự hài lòng của dân trở thành mục tiêu cao nhất.

"SẮP XẾP LẠI GIANG SƠN": HÀNH TRÌNH SẮP XẾP LẠI TÂM THẾ VÀ ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ - Ảnh 1.Những cán bộ, công chức nào được nhận thêm 5 triệu/tháng từ ngày 15-8?

Từ ngày 15-8, ngoài tiền lương có hai nhóm cán bộ, công chức làm công tác chuyên trách sẽ được nhận hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp