
Hoa sen cổ ngàn năm của Nhật - Ảnh: GaijinPot Travel
Nằm cách Tokyo khoảng 60km về phía tây bắc là công viên Hoa sen Cổ đại (Ancient Lotus Park). Nơi đây đang bảo tồn và trưng bày giống sen cổ được phát hiện tình cờ vào năm 1971, khi chính quyền địa phương đào móng xây nhà máy xử lý rác.
Sức sống mãnh liệt của hoa sen cổ
Những hạt giống sen hóa thạch nằm sâu dưới lớp bùn đã bất ngờ nảy mầm sau nhiều thế kỷ ngủ yên khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi, như nước mưa và ánh nắng.
Sau khi xác minh niên đại, các chuyên gia đánh giá đây là giống sen quý hiếm, mang ý nghĩa sinh học và khảo cổ đặc biệt.
Theo Japan Travel, giống sen này được gọi là "Gyōda Hasu", tức sen Gyōda cổ đại.
Từ năm 2001, chính quyền địa phương đã phát triển nơi đây thành công viên sinh thái với khoảng 120.000 cây sen, thuộc 42 giống khác nhau.
Trong đó, giống sen cổ chiếm vị trí đặc biệt với dáng hoa thanh thoát, số lượng cánh ít hơn các giống hiện đại, được cho là mang hình dáng gần với tổ tiên của loài sen.

Một góc công viên Hoa sen Cổ đại tại Nhật - Ảnh: WIKIMEDIA
Mùa hoa thường bắt đầu từ giữa tháng 6 và kéo dài đến đầu tháng 8. Thời điểm ngắm hoa lý tưởng nhất là vào buổi sáng sớm, khi cánh hoa còn chưa khép lại dưới ánh mặt trời.
Theo GaijinPot Travel, buổi sáng từ 7h đến 9h là khung giờ đông khách nhất.
Ngoài đầm sen, công viên còn có bảo tàng Hoa sen cổ và đài quan sát cao 50m, nơi du khách có thể phóng tầm mắt ra toàn bộ cánh đồng lúa nghệ thuật và khu đầm sen rộng lớn, một phần không gian sinh thái đã trở thành biểu tượng mùa hè của Gyōda.
Loài cây có khả năng sửa ADN
Hiện tượng sen nở từ hạt giống cổ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng khoa học quốc tế. Theo nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California Los Angeles (UCLA), sen là loài thực vật có khả năng sửa chữa ADN đặc biệt hiệu quả.
Nhà sinh học Jane Shen-Miller, người từng phục hồi một hạt sen 1.300 năm tuổi tại Trung Quốc, cho biết: “Sen là loài thực vật duy nhất được biết đến cho đến nay có hệ gene có thể tự sửa lỗi hiệu quả như vậy. Đó là lý do vì sao nó có thể ngủ sâu hàng nghìn năm và vẫn sống dậy khi gặp điều kiện thích hợp”.
Ngoài giá trị khảo cổ, giống sen cổ như Gyōda Hasu còn mở ra nhiều hướng nghiên cứu ứng dụng.
Theo các nhà khoa học, khả năng phục hồi và chống stress sinh học của sen có thể được khai thác để cải thiện độ bền và sức chống chịu của các loại cây trồng hiện đại như lúa, bắp hay đậu nành trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Một búp sen Gyōda Hasu - Ảnh: WIKIMEDIA
Câu chuyện về hạt sen cổ Gyōda cũng gợi nhắc đến công trình phục hồi hạt giống nổi tiếng khác do tiến sĩ Ichiro Oga thực hiện vào những năm 1950, khi ông làm nảy mầm thành công hạt sen có tuổi từ 1.000 - 1.300 năm tại một khu khảo cổ ở Trung Quốc.
Loài sen này sau đó được đặt tên là “Oga Lotus” và được coi là biểu tượng của sức sống bền bỉ vượt thời gian. Theo World Tribune, chính khám phá của Oga đã truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu tại Nhật tiếp tục phục hồi và nhân giống các hạt sen cổ tìm thấy ở Gyōda.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận