
Dự án bất động sản đang được xây dựng ở TP.HCM (ảnh chụp trưa 8-7) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên không ít cán bộ còn bỡ ngỡ với quy định trên và cho rằng cần có nhiều hỗ trợ từ cấp trên. Do đó mới đây Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM có công văn gửi đến 168 xã, phường và đặc khu Côn Đảo (gọi chung là cấp xã) để hướng dẫn việc ra văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để làm dự án.
Sẽ thuận lợi hơn
Theo nghị định 151/2025 (có hiệu lực từ 1-7-2025 đến 1-3-2027) quy định phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đất đai đối với chính quyền hai cấp thì thẩm quyền ra văn bản chấp thuận được chuyển cho chủ tịch UBND cấp xã.
Từ đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM đề nghị UBND các xã, phường và đặc khu Côn Đảo căn cứ quy định pháp luật đất đai chủ động tiếp nhận hồ sơ thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án để xem xét có văn bản chấp thuận.
Cụ thể như trường hợp nhà đầu tư muốn sử dụng đất hoặc thuê đất do Nhà nước giao không thu tiền hoặc cho thuê đất hằng năm trên địa bàn xã để đầu tư hay thực hiện dự án nhà ở xã hội, tái định cư... sẽ do chủ tịch UBND xã, phường ra văn bản chấp thuận.
Nhận định về việc phân cấp phân quyền này, ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty Lê Thành, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho rằng việc chủ tịch UBND xã ra văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp sẽ thuận lợi và nhanh hơn, phù hợp với chủ trương ưu tiên đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà tái định cư của trung ương và của TP nói riêng.
Đồng thuận về quan điểm trên, ông Nguyễn Hải Long, cố vấn pháp lý của Công ty luật TNHH AGL, cho rằng việc phân quyền xuống cho chủ tịch UBND xã cấp văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp được nhận quyền sử dụng đất, thuê đất để thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư vừa bảo đảm sự chủ động vừa sát thực tiễn quản lý đất đai của chính quyền cấp xã thay vì dồn thẩm quyền trên ở chủ tịch cấp tỉnh như quy định Luật đất đai vừa phức tạp vừa tốn nhiều thời gian hơn.
Cũng theo nghị định trên, chính quyền cấp xã cũng được phân cấp chịu trách nhiệm việc tổ chức lập và thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã. Từ đó đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai được liên tục, thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn, không để chồng chéo, trùng lặp.
Có ý kiến về nội dung trên, theo ông Nguyễn Hải Long, việc phân quyền như vậy giúp xã có thẩm quyền lớn hơn, chủ động hơn cũng như chịu trách nhiệm toàn diện hơn khi là người nắm rõ tình hình sử dụng đất của địa phương, nắm rõ quy hoạch và lập, tổ chức triển khai, quản lý quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Từ đó phân bổ nguồn, sử dụng nguồn lực đất đai vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã. Việc này cũng giảm đi tầng nấc trung gian khi so với trước đây thẩm quyền này của UBND cấp huyện.

Trình bày: TẤN ĐẠT
Cần nhiều cơ chế hỗ trợ
Ông Võ Phan Lê Nguyễn, chủ tịch UBND xã Nhà Bè (TP.HCM), cho biết kể từ ngày 1-7 quy định mới cho phép chính quyền cấp xã chính thức được giao thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các dự án kinh tế - xã hội.
Do đó Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND các xã, phường và đặc khu Côn Đảo căn cứ quy định pháp luật đất đai có liên quan, chủ động tiếp nhận hồ sơ thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, từ đó xem xét có văn bản chấp thuận.
Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp thực sự có khó khăn vướng mắc, đề nghị UBND xã, phường và đặc khu Côn Đảo khẩn trương báo cáo, đề xuất nêu chính kiến cụ thể gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn. "Riêng quy trình thủ tục nội bộ giải quyết thủ tục này hiện các xã, phường vẫn đang chờ TP ban hành", ông Nguyễn nói thêm.
Có ý kiến thêm về vấn đề trên, luật sư Trương Anh Tú, chủ tịch TAT Law Firm, nhận định: "Đây là một bước tiến hành chính, phù hợp với mô hình đô thị hiện đại. Nhưng quyền lực ở cấp cơ sở phải đi kèm năng lực, trách nhiệm và cơ chế giám sát minh bạch".
Bởi theo ông Tú, thực tế việc phân quyền cho cấp xã không còn là điều quá rủi ro như trước bởi nhiều địa phương hiện nay đã luân chuyển đội ngũ cán bộ có chuyên môn từ cấp huyện, tỉnh về làm việc. Điều này giúp bảo đảm phần nào chất lượng thẩm định, nhất là tại các phường trung tâm, nơi tập trung đông doanh nghiệp và dự án lớn.
Tuy nhiên để chính sách này phát huy hiệu quả, ông Tú khuyến nghị cần có hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng, cơ chế hậu kiểm định kỳ, và phân loại rõ theo quy mô dự án. Ông Tú cho rằng sự thay đổi này sẽ tạo thuận lợi đáng kể trong quá trình thực hiện thủ tục đất đai, nếu được vận hành nhất quán, chuyên nghiệp và có định hướng hỗ trợ doanh nghiệp từ chính quyền địa phương.
"Không cần e ngại trao quyền, miễn là kiểm soát đủ tốt. Đó mới là cách xây dựng một chính quyền mạnh, gần dân, gần doanh nghiệp", ông Tú nhấn mạnh.
TP.HCM nhận 91 hồ sơ cấp sổ hồng lần đầu trong số 11.581 hồ sơ đất đai
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM vừa có báo cáo cho UBND TP.HCM về tình hình tiếp nhận hồ sơ cấp sổ hồng lần đầu cùng các các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền hai cấp.
Tính đến ngày 5-7, đối với 14 thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền tiếp nhận của UBND cấp xã thì các phường, xã đã tiếp nhận tổng số lượng 278 hồ sơ trực tuyến. Trong đó nhiều nhất là hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu (sổ hồng lần đầu) đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (91 hồ sơ).
Thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; giao đất và giao rừng; cho thuê đất và cho thuê rừng, gia hạn sử dụng đất khi hết thời hạn sử dụng đất: tổng cộng có 108 hồ sơ.
Đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Văn phòng đăng ký đất đai TP tính đến ngày 4-7, hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai TP vẫn tiếp tục tiếp nhận hồ sơ tại các địa điểm tiếp nhận và trả kết quả trước đây với tổng số hồ sơ đã tiếp nhận là 11.304 hồ sơ.
Tập huấn cho xã, phường và đặc khu các thủ tục về đất đai
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM vừa có chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của sở hoàn thành quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai cấp xã trước ngày 9-7. Từ đó biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn chi tiết quy trình tiếp nhận, giải quyết từng thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai cấp xã, bảo đảm thống nhất và đồng bộ trên toàn địa bàn TP.HCM sau khi được UBND TP phê duyệt quy trình nội bộ.
Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường giao Văn phòng đăng ký đất đai TP chủ trì, phối hợp, cử nhân sự tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ tại UBND cấp xã về quy trình, trình tự, thành phần hồ sơ, quyền giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai cấp xã. Cùng với đó hướng dẫn sử dụng phần mềm chuyên ngành trong tiếp nhận giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công phường Cát Lái (TP.HCM) hỗ trợ người dân làm thủ tục đất đai - Ảnh: HỮU HẠNH
Tất bật việc cấp sổ hồng cho dân
Ghi nhận tại phường Tân Hưng (TP.HCM) cho thấy trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã đầu tiên của địa phương đã đi vào hoạt động theo mô hình "một cửa liên thông". Đây là nơi tập trung thực hiện tất cả các thủ tục thuộc thẩm quyền cấp xã như chứng thực, hộ tịch, đăng ký kinh doanh, đất đai - môi trường, hạ tầng đô thị...
Từ ngày 1-7 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận xử lý và trả kết quả gần 2.000 hồ sơ, trong đó gần 1.000 hồ sơ nộp trực tiếp và khoảng 120 hồ sơ gửi qua hình thức trực tuyến. Nhóm thủ tục chứng thực chiếm tỉ trọng lớn nhất với gần 800 hồ sơ, tiếp theo là các thủ tục về hộ tịch, đăng ký hộ kinh doanh cá thể, lĩnh vực đô thị và đất đai.
Tuy nhiên với riêng thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất lần đầu (sổ hồng), hiện trung tâm mới chỉ dừng ở mức tiếp nhận hồ sơ, chưa có trường hợp nào được ký cấp mới. Lý do một phần đang trong thời hạn xử lý hồ sơ bước đầu, phần khác phường đang chờ hướng dẫn chính thức từ UBND TP.HCM về quy trình nội bộ xử lý hồ sơ theo cơ chế mới.
Ông Trương Thanh Tú - phó giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Hưng - thông tin trước ngày 1-7, quận 7 đã chủ động giải quyết dứt điểm các hồ sơ đất đai còn tồn đọng, do đó không có hồ sơ chuyển tiếp về phường sau thời điểm phân cấp. Vì vậy theo ông Tú, phường Tân Hưng hiện chỉ chuẩn bị để tiếp nhận các hồ sơ mới, trong khi chờ hướng dẫn quy trình xử lý cụ thể từ cấp TP.
"Ngay trong tuần đầu triển khai, người dân đã đến tìm hiểu và được hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, đặc biệt là phần bản vẽ thửa đất theo đúng mẫu mới. Sau khi hoàn chỉnh, người dân mới chính thức nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ lần đầu tại phường", ông Tú chia sẻ.
Tương tự, tại phường Long Trường, những ngày qua nhiều người dân đến làm hồ sơ cấp sổ hồng lần đầu được Trung tâm phục vụ hành chính công phường hướng dẫn đối với các trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện tiếp nhận.
"Còn các hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận giải quyết thì cán bộ sẽ tiếp nhận và cũng đợi hướng dẫn dữ liệu quản lý về đất đai được sử dụng trơn tru sẽ giải quyết hồ sơ cho người dân. Đối với thủ tục ra văn bản chấp thuận cho thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, lập kế hoạch sử dụng đất thì cấp xã phường bắt đầu triển khai và cũng chưa thực hiện giải quyết hồ sơ nào", một cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công phường cho hay.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Khuyến - bí thư Đảng ủy phường Tây Hồ - thông tin: "Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo công việc điều hành ủy ban, trong đó cấp sổ đỏ tại điểm phục vụ hành chính công là nhiệm vụ ưu tiên số 1".
Trong khi đó, theo ông T., một lãnh đạo cấp phòng kinh tế hạ tầng đô thị thuộc một UBND phường trung tâm ở Hà Nội, cho rằng thời gian đầu bộ máy hoạt động tương đối ổn định. "Trên địa bàn phường không có nhiều trường hợp xin cấp sổ đỏ lần đầu, cán bộ của phường vẫn đang tận tình giúp đỡ người dân khi cần", ông T. nói.
Một tuần sau khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành, bộ máy hành chính tại cơ sở nhiều nơi đã bước đầu đi vào vận hành ổn định.
Cấp sổ tay hướng dẫn làm thủ tục đất đai
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Quản lý đất đai cho biết đơn vị này vừa công bố sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo vị này, đến nay tất cả các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc kết nối dữ liệu quốc gia về đất đai, chính quyền 2 cấp có thể sử dụng ngay. Công việc đã được hướng dẫn theo từng cấp, từng nhóm rất cụ thể.
Ví dụ như trước đây cấp sổ đỏ lần đầu hoặc chấp thuận cho doanh nghiệp thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để làm dự án thuộc thẩm quyền, xét duyệt hồ sơ của cấp huyện nhưng đến nay chuyển hết về cấp xã. Từ đó việc xử lý các thủ tục cũng gọn nhẹ, không mất thời gian chờ đợi.
Khi các địa phương kết nối vào trung tâm dữ liệu quốc gia về đất đai để giải quyết thủ tục hành chính thì khối lượng công việc phải làm so với thời điểm trước khi sáp nhập có thể được giảm đi nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận